Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá


Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá

Mừng Dòng Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng . 
Biệt tặng Quí CRM Tu Sĩ Đồng Công, Thân Hữu Đồng Công và Gia Đình Đồng Công
Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023  



Cho tới bây giờ, chính vào ngày áp Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2023 ở Hoa Kỳ, nhưng lại là chính ngày 2/2 ở Việt Nam, sau thời gian nghiên cứu, phân tích và chia sẻ tất cả những gì liên quan đến chung lịch sử dòng, cũng như liên quan đến riêng vị sáng lập dòng là Anh Cả, một nỗ lực tiếp ngay sau chuyến Hành trình Việt Nam Truyền giáo Đồng Công 24 ngày 7-30/11/2022, em mới thực sự thấy được, như em chợt cảm nghiệm trong Thánh lễ 7:30 sáng hôm nay, 1/2/2023, sau lúc em hiệp lễ và đang cầu nguyện cho dòng, toàn bộ chân dung của Anh Cả khả kính khả ái của CRM chúng ta đã hiện lên trước tâm linh của em, mà đường nét chính yếu nơi chân dung này, theo em, là QP và Đaminh Thánh Giá, bởi thế mới có chuyện Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá. 

Trong mối liên hệ gần xa với dòng, dù với tư cách hiện là tu sĩ Đồng Công, hay THĐC, thành phần từng là tu sĩ Đồng Công, hoặc GĐĐC, thành phần được coi như Dòng Ba của dòng, thì cả 3 thành phần này cũng đều là Di Sản Đồng Công của Anh Cả, vì đều do Anh Cả thành lập, với mục đích cho Người Việt Nam Nên Thánh. CRM chúng ta, không nhiều thì ít, không mạnh thì nhẹ, cũng thấy được những đường nét chính yếu làm nên Dung Nhan QP của vị sáng lập là người Anh Cả của chúng ta. Chẳng hạn và điển hình nhất ai cũng công nhận và bất khả chối cãi, đó là: 

1- Anh Cả lập dòng, theo ơn soi động ngay từ ban đầu, đó là để cho người Việt Nam nên thánh; 
2- Dòng ngài lập, theo chủ trương của ngài, được ngài viết trong Hiến pháp dòng, đó là một hội dòng giáo sĩ (chứ không thuần giáo dân) và truyền giáo (chứ không phải đan tu hay chỉ bác ái xã hội); 
3- Mối quan tâm trên hết và trước hết, dọc suốt cuộc đời của ngài đó là bản thân ngài sống thánh và huấn thánh cho anh em dòng;
4- Bản thân ngài đã sống thánh bằng đức tin tuân phục và đức ái trọn hảo, ở chỗ hoàn toàn sống bé nhỏ trong Lòng Mẹ Đồng Công, chấp nhận tất cả mọi đau khổ thử thách cho lợi ích của anh em dòng;
5- Ngài đã huấn thánh cho anh em dòng bằng tinh thần bình dân, phục vụ, bé mọn, tin tưởng cậy trông phó thác bản thân cho Chúa, ở chỗ chỉ tìm Nước Chúa và Thánh thiện trên hết và trước hết;
6- Ngài đã mãnh liệt tin tưởng sống tự lập mưu sinh ngay từ ban đầu, và ngài đã chẳng những nuôi sống anh em dòng mà còn có thể xây dựng các cơ sở tông đồ truyền giáo để phục vụ miễn phí nữa;
7- Ngài luôn gắn bó với quê hương và dân nước Việt Nam, như được bộc lộ nơi nhiều kinh nguyện được ngài soạn dọn thường bao gồm cả Việt Nam, hướng về Việt Nam và cầu cho Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả 7 đường nét chính yếu này như thế nào nơi Chân Dung QP của ngài. Chúng như những phân mảnh lẻ tẻ rời rạc, hầu như chẳng có liên hệ gì với nhau, hay nếu thực sự có liên hệ với nhau thì cũng ở một mức độ nào đó. Thật vậy, các phân mảnh trên đây cần phải được ghép chung lại với nhau mới thấy được đích thực toàn diện Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá của Anh. Nhưng bằng cách nào? Và như thế nào?? Nhất là phải bắt đầu từ đâu??? Theo em, vì là Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá, nên chúng ta cần phải bắt đầu những nét chính yếu làm nên Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá này của Anh Cả, đó là QP và Đaminh Thánh Giá, rồi từ đó và nhờ đó các phân mảnh mới từ từ hình thành làm nên Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá rõ ràng hơn.

Quorum Primus

Đúng thế, QP là hai mẫu tự từ nguyên ngữ Latinh "Quorum Primus", được Anh Cả lấy từ trong Thư thứ nhất (1:15) Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho một trong những môn đệ của ngài là Timothêu như sau: 
"Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi / Christus Iesus venit in hunc mundum peccatores salvos facere, quorum primus ego sum / Christ Jesus came into this world to bring salvation to sinners, among whom I am first. 

CRM chúng ta thường hiểu và cho rằng hai chữ "Quorum Primus" có nghĩa là "người tội lỗi trước hết", còn Anh Cả lại tự nhận mình là "tội lỗi nhất loài người", như trong Thư Anh Cả hồi âm cho Lớp Thỉnh Sinh IXA khi còn ở dưới đệ tử viện ngày 26/12/1965, nguyên văn như sau: "Các thư của các em gửi anh đã nhận được cả. Anh rất cám ơn các em đã hy sinh cầu nguyện cho anh nhiều, để Chúa và Mẹ đoái thương anh, một linh mục kém cỏi và tội lỗi nhất loài người". 

Tuy nhiên, theo em, căn cứ vào mạch văn và ý nghĩa ở câu nói của Thánh Phaolô thì Thánh Phaolô cố ý nói về bản thân của ngài, một anh chàng Saolê ngày xưa, vì quá hăng sau nhiệt thành với Do Thái giáo, đã xin phép thẩm quyền Do Thái giáo để bách hại các Kitô hữu tiên khởi ở Damasco theo "đường lối" của Chúa Kitô và chính là Chúa Kitô, một "đường lối" có tính cách mới lạ, dị thường, khác hẳn và ngược lại với Do Thái giáo của chàng, thì bắt giải về Giêrusalem (Tông vụ - 9:2; 19:9, 23; 22:4; 24:14, 22), nhưng ngài vẫn được Chúa Kitô thương cứu chuộc, mà ngài cảm thấy hơn ai hết, hay nói cách khác ngài là người trên hết tất cả mọi người được hưởng ơn cứu chuộc của Đấng đã bị ngài bách hại nơi thành phần Kitô hữu tiên khởi. 

Nếu Thánh Phaolô cảm nghiệm được LTXC "cứu" vì đã thương xót ngài hơn hết, thương xót Ngài hơn ai hết, là vì ngài là một con người tội lỗi hơn ai hết, tội lỗi hơn hết mọi người, tội lỗi nhất thiên hạ. Theo cảm nghiệm chủ quan này của Thánh Phaolô vị đại tông đồ dân ngoại, Anh Cả cũng cảm thấy anh như vậy, cũng cảm thấy Anh "là người tội lỗi nhất", bởi Anh đã sâu xa và thấm thía cảm nghiệm thấy được LTXC đã xót thương Anh ra sao và đến mức nào, cho dù, khách quan mà nói, Anh không có nhiều tội và nặng tội như nhiều người khác trên thế gian này. Sở dĩ chúng ta cho nhận thức "là người tội lỗi nhất" của Anh Cả hay của Thánh Phaolô là những gì thái quá, không tưởng, là tại vì chúng ta, chưa như các vị, ở tầm mức thánh thiện và thân mật với LTXC, với vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu.

Nền tảng và cốt lõi của đường trọn lành, của việc nên thánh, là ở ngay chỗ này, ở chỗ cảm nghiệm thấy được LTXC, một LTXC đã cứu độ mình cùng với toàn thể nhân loại, và một khi được thương xót thế náo chúng ta cũng phải xót thương nhau như vậy, "như Thày đã thương" (Gioan 13:34). Nhưng muốn thực sự và sâu xa cảm thấy được LTXC nơi con người của mình, thì phải nhận biết bản thân loài người tạo vật vô cùng hèn hạ, khốn nạn và tội lỗi của mình trước Thánh Nhan vô cùng toàn thiện và toàn ái đáng tôn thờ và tôn vinh của Vị Thiên Chúa tối cao. Tuy nhiên, tự mình con người không thể nào cảm nghiệm thấy được LTXC, nếu chính LTXC không tỏ mình ra cho họ, vào một lúc nào đó trong đời của họ, như trường hợp của Thánh Phaolô khi còn là anh chàng Saolê cuồng nhiệt với đạo giáo Do Thái cha ông của chàng, nhờ đó, chàng mới nhận biết mình là "tội nhân trên hết" được LTXC cứu độ, đến độ đã biến ngài thành "ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất." (Tông Vụ 13:47).

Chúng ta không biết được đời tư của Anh Cả, và vào lúc nào Anh đã làm gì tiêu cực, dù chủ ý hay vô ý, nặng hay nhẹ, để được LTXC tỏ ra cho Anh, thương cứu Anh, đến độ Anh đã chân nhận mình "là người tội lỗi nhất", tội lỗi hơn ai hết. Không phải cứ phải là tội nhân mới cần đến LTXC! Nếu thế thì chẳng lẽ Đức Maria mang danh xưng "đầy ơn phúc - gracias plena" (Luca 1:28) không cần đến LTXC hay sao? Trái lại, chính Mẹ đã tuyên xưng LTXC trong Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat, vì Mẹ, về phần tiêu cực, cũng đã được Thiên Chúa cứu độ (xem Luca 1:47), bằng cách đã gìn giữ Mẹ cho khỏi nguyên tội cùng với các hậu quả của nguyên tội, và về phần tích cực, Mẹ tuy chỉ là nữ tỳ thấp hèn cũng đã được Đấng toàn năng thương thực hiện những điều kỳ diệu nơi Mẹ và cho Mẹ (xem Luca 1:48-49). Cho dù là Đấng hoài thai vô nhiễm nguyên tội, và cho dù "Trái Tim Mẹ hằng vẹn tuyền thanh sạch, chẳng vướng một chút bợn nhơ, gớm ghét tội lỗi, tích chứa đầy mọi nhân đức anh hùng quảng đại, vượt trên mọi bậc thần thánh" (Kinh Tuần Bảy - Ngày Thứ Nhất Kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ - Xin ơn gớm ghét tội lỗi), nhưng Mẹ lại là người cảm nghiệm thấy LTXC hơn ai hết.

Riêng về trường hợp của Anh Cả, như thư Anh viết cho một anh em dòng vào tháng 8/1992, thì Anh đã bắt đầu nhận khẩu hiệu "QP" ngay từ khi được ơn soi động lập dòng năm 1941, và khẩu hiệu "QP" này thay cho khẩu hiểu "Đaminh Thánh Giá - Dominicus de Cruce" của Anh, được Anh nhận từ khi Anh được thụ phong linh mục năm 1937. Tuy nhiên hai khẩu hiệu khác nhau ở 2 đoạn đời khác nhau này, về nội dung, vẫn tập trung vào LTXC, và LTXC là cốt lõi của cả 2 danh hiệu Anh chọn.

Dominicus de Cruce

Nếu LTXC nơi khẩu hiệu "QP" ở chỗ Anh Cả là con người được Chúa thương hơn ai hết, thì LTXC nơi khẩu hiệu "Đaminh Thánh Giá - Dominicus de Cruce" có nghĩa là chính vì được thương hơn ai hết như thế mà Anh Cả đã cảm nghiệm thấy được LTXC, đến độ muốn nên một với LTXC, được hiệp thông với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng "đã yêu thương đến cùng" (Gioan 13:1), để được như Mẹ Maria Đồng Công cứu chuộc với Người, như chúng ta thấy trong lời nguyện được Anh soạn dọn, khi Anh vừa được thụ phong linh mục và mới tự nhận danh hiệu "Đaminh Thánh Giá", một kinh nguyện ngài xin Chúa ban cho Anh 30 ơn, trong đó có mấy ơn tiêu biểu cho thấy lòng Anh mến Chúa đến độ nào, vì Anh đã được LTXC chiếm đoạt và biến đổi: "Xin Chúa đổ trên mình con các sự khốn khó, xin Chúa ban cho con nhiều thánh giá, xin cho thân xác con được đầy sự khốn khó, đau đớn, để con mến Chúa hơn, nên giống Chúa một ngày một hơn và được kết hợp cùng Chúa cho bền chặt".

Lời nguyện xin đầy LTXC của Anh trên đây vào năm 1937 đã được hoàn toàn đáp ứng và ứng nghiệm nơi anh đúng 70 năm sau, 2007, khi toàn thể con người anh, từ tinh thần lẫn thể xác đã phải trải qua "các sự khốn khó", "đầy đau đớn". Lời nguyện xin được "nên giống Chúa một ngày một hơn và được kết hợp cùng Chúa cho bền chặt" như thế cũng chứng tỏ Anh Cả đã sâu xa ý thức được công ơn cứu chuộc vô cùng quí giá đối với phần rỗi của nhân loại, bao gồm từng người, là chừng nào, đến độ, không thể để cho công ơn cứu độ vô giá này hư đi theo các linh hồn bị trầm luân đời đời, bằng cách, sẵn sàng chấp nhận mọi khốn khổ của họ để đền thay tội vạ của họ và cho họ, như chính Chúa Kitô đã làm trong cuộc Khổ Nạn của Người, cũng như Thánh Phaolô cũng đã thực hiện: "Tôi mang trong mình những dấu tích của Chúa Kitô" (Galata 6:17), để "bù đắp nơi xác thịt của tôi những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội" (Colose 1:24).

Con người, dù là Kitô hữu, là linh mục hay giám mục, bình thường ai cũng sợ đau khổ và xin thoát khỏi phải chịu khổ đau, nhưng Anh Cả lại nhào tới xin cho được chịu đau khổ. Những tâm hồn như Anh Cả rất hiếm quí, và là tâm hồn được LTXC tuyển chọn cách riêng để Người có thể tiếp tục chịu Khổ Nạn nơi họ, mà cứu độ "các linh hồn cần đến LTXC hơn". Bởi thế, những tâm hồn ưu tú của LTXC này, nhờ được sống mật thiết với LTXC, mới cảm thấy buồn khổ với Người và như Người, khi họ thấy loài người nói chung chẳng những chưa nhận biết LTXC mà còn tiếp tục sống băng hoại như vô thần, và Kitô hữu nói riêng tỏ ra vô ơn bội nghĩa với Người, thậm chí bỏ đạo, rối đạo, chối đạo và chống đạo. Do đó, họ sẵn sàng dâng mình cho LTXC để bù đắp lại những gì LTXC bị tội nhân xúc phạm, nhờ đó LTXC cứu các tội nhân, như trường hợp của Thánh nữ Faustina, sứ giả Balan của LTXC, vị đã đáp lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu là "hiến dâng bản thân con cho tội nhân, nhất là cho những linh hồn đã mất niềm hy vọng vào tình thương của Cha» (Nhật Ký 308) , một tác động hy hiến bản thân cho tội nhân, như chính Chúa Kitô đã thực hiện bằng cách chịu khổ nạn gánh vác tội vạ cho loài người để cứu chuộc loài người đáng thương, như sau:


"Việc hiến dâng này là ở chỗ, bằng cách hoàn toàn thuận phục ý Chúa, con chấp nhận tất cả mọi đau khổ, sợ hãi và kinh hoàng tràn đầy nơi các tội nhân. Ngược lại, con sẽ hiến cho họ tất cả mọi niềm an ủi linh hồn con nhận được từ việc con hiệp thông với Chúa. Tắt một lời, con xin cống hiến hết mọi sự cho họ: Các Thánh Lễ, những lần Hiệp Lễ, các việc thống hối, những hãm mình khổ chế, các lời nguyện cầu. Con không sợ những giáng phạt, những giáng phạt của đức công minh thần linh, vì con kết hiệp với Chúa Giêsu. Ôi Chúa Trời con, nhờ đó, con muốn bù đắp cho Chúa thay thế những linh hồn không tin tưởng vào lòng nhân lành của Chúa. Trong tận cùng tuyệt vọng con hy vọng vào tình thương bao la của Chúa". (Nhật Ký 309)


Lời Anh Cả nguyện xin "để con mến Chúa hơn" bằng cách được chịu đau khổ với Chúa và như Chúa khi Anh vừa được thụ phong linh mục, chứ không phải trước đó, khi Anh đang học làm linh mục ở Đại Chủng viện Quần Phương của Giáo phận Bùi Chua, là vì Chúa Kitô khổ nạn và tử giá với tính cách Thượng Tế của Người, và với vai trò là Mục Tử của Người, "vị mục tử nhân lành hiến mạng sống vì chiên, cho chiên được sống và sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10). Do đó, chỉ có những tâm hồn nào được tuyển chọn làm linh mục, về phụng vụ, làm thừa tác của các mầu nhiệm thánh, đặc biệt là Bí tích Giải tội, thay cho Người và nhân danh Người, và về mục vụ, làm mục tử chăn đắt đàn chiên Chúa được ủy thác cho các vị, mới có thể cảm nghiệm thấy LTXC hơn ai hết trong cuộc đời sống ơn gọi và sứ vụ linh mục của mình.  

Tới đây chúng ta thấy được Chân Dung QP rõ nét hơn nữa, gần như hoàn toàn, khi thấy được lý do tại sao Anh Cả đã lập dòng, lập dòng cho Người Việt Nam, và lập dòng truyền giáo và giáo sĩ. Như trên đã nhận định và phân tích, là vì Anh Là QP, một con người được Chúa thương chọn làm linh mục và được Ngài thương xót hơn ai hết, nên Anh, với tâm hồn vẫn sẵn gắn bó với tiền đồ tử đạo của dân tộc, cũng thấy thương quê hương và dân nước Việt Nam hơn ai hết, hơn bao giờ hết, nhất là khi thấy quê hương dân nước của mình phải quằn quại đau thương khốn khổ sống dưới chế độ vô thần duy vật cộng sản, như ang bị ách nô lệ Satan ràng buộc, đang bị chân độc ác thú dữ vô thần giày xéo.... đang lầm lạc, đang ngồi trong bóng tối tăm sự chết, chưa nhìn biết Chúa, chưa nhìn biết yêu mến Mẹ loài người từ bi bác ái..." (Kinh Tuần Bảy - Ngày Thứ 7). 

Đó là lý do cho sự hiện hữu của Dòng Đồng Công, được lập nên để truyền giáo cho dân nước Việt Nam, bởi các tu sĩ Đồng Công nói chung, nhất là bởi các vị linh mục thừa sai thương xót Đồng Công nói riêng, những vị linh mục thừa sai thương xót thánh thiện thì mới có thể cứu dân nước Việt Nam: "Mẹ ơi! anh chị em đồng bào chúng con còn đang bị xâu xé tư bề, trăm nghìn đau khổ, xin Mẹ thương cứu vớt. Mẹ ơi! Mẹ thương cứu vớt, là Mẹ hãy đào tạo cho nước Việt Nam chúng con, những vị Tông đồ Việt Nam thánh thiện. Xin Mẹ hãy ban cho chúng con những vị Tông đồ hoàn toàn sống theo ý Mẹ, những vị Tông đồ của Trái Tim phép tắc từ bi Mẹ, để đưa anh chị em chúng con về nhận biết quyền phép cao cả và lòng thương xót vô hạn Mẹ,để ngợi khen yêu mến Chúa Ba Ngôi trong Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ đời này và đời sau chẳng cùng. Amen(Kinh Tuần Bảy - Ngày Thứ 7). 


Chân Dung QP Đaminh Thánh Giá, qua những đường nét chính yếu được ghép lại với nhau, đã hiện lên như thế này:
1- Chính vì được LTXC chẳng những đoái nhìn đến thân phận vô cùng khốn nạn "tội lỗi nhất loài người" của Anh, mà còn tuyển chọn Anh làm linh mục, để cử hành và ban phát mầu nhiệm LTXC.
2- Nên Anh, vốn là người thiết tha với quê hương dân nước của Anh hơn ai hết và hơn bao giờ hết, đã để cho LTXC, qua Anh, thương đến cả quê hương dân nước của Anh nữa.
3- Bằng cách, Anh đã đáp ứng ơn soi động của Trời Cao, trong việc thiết lập một hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên của Giáo Hội ở Việt Nam cho người Việt Nam nên thánh.
4- Nhờ đó, nhờ thành phần tu sĩ thánh thiện theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của Anh và với Anh, được Anh liên lỉ huấn thánh cho.
5- Ở chỗ sống tinh thần tận hiến thơ ấu thiêng liêng với Chúa Mẹ, và sống đức ái trọn hảo với anh em, cũng như tỏ ra bình dân phục vụ cộng đồng dân Chúa.
6- Nơi các công cuộc bác ái xã hội của dòng, đặc biệt là việc giáo dục giới trẻ, nhất là việc truyền giáo, bởi thành phần linh mục thừa sai của dòng.
7- Có thế, dân nước Việt Nam khốn khổ đáng thương, mới có thể nhận biết LTXC hơn, nơi Đấng "là đường, là sự thật và là sự sống" (Gioan 14:6), mà được cứu độ.
8- Và LTXC cứu độ ấy do đó được thần hiển trong Mùa Gặt Thương Xót ở vào thời điểm "thế giới ngày nay cần đến LTXC biết bao" (ĐTC Gioan Phaolô II 17/8/2002 ở Balan).

THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL